Một chút sắc xanh lá có sức mạnh biến đổi hoàn toàn cả không gian, mang đến hơi thở mới cho căn phòng. Không ngoa khi nói rằng, so với việc chi tiêu quá nhiều tiền bạc vào nội thất cao cấp hay đồ trang trí đắt đỏ thì đây là cách hiệu quả và tiết kiệm hơn cả để nâng cấp diện mạo ngôi nhà.

Mỗi loại cây trồng lại có đặc tính khác nhau nên yêu cầu về môi trường, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cũng có sự khác biệt. Điều đó đồng nghĩa rằng, cây xanh chỉ phát triển tươi tốt khi được đặt ở vị trí phù hợp. Do vậy, khi lựa chọn cây trong nhà, luôn cần nhớ kỹ hai điều: đặc tính cây trồng và giá trị thẩm mỹ mà chúng mang lại. Rõ ràng, những loài cây khác nhau sẽ có nhu cầu về nước và độ ẩm khác nhau, bạn nên tránh đặt cây ưa sáng trong phòng tắm không có cửa sổ và cũng không nên đặt cây không khí ở nơi phòng khách ngập nắng bởi loài cây này vốn ưa ánh sáng tán xạ.

Thêm vào đó, chẳng ai muốn đưa loài cây quá dị biệt vào ngôi nhà, làm phá vỡ lối bài trí chung của cả không gian. Cây xương rồng gai góc chắc chắn không phải là lựa chọn phù hợp cho nơi cần sự thanh bình, yên tĩnh như phòng ngủ.

May mắn là có rất nhiều loại cây trồng phù hợp với mọi kiểu nhà và phong cách thiết kế mà không đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu những loại cây trồng phù hợp với từng không gian trong nhà, từ phòng khách, phòng ngủ cho đến phòng trẻ em. Và với những người không “mát tay” trong việc trồng cây thì đừng quên tham khảo hướng dẫn cách chăm sóc kèm theo.

1. Phòng khách

Hãy bắt đầu từ phòng khách – không gian có tần suất sử dụng nhiều nhất trong nhà. Đây vốn là nơi chúng ta ngắt kết nối với thế giới bên ngoài, cũng là nơi để quây quần bên bạn bè, người thân. Lối bài trí phòng khách nói chung và cách lựa chọn cây cảnh cho phòng khách nói riêng góp phần thể hiện cá tính, gu thẩm mỹ và lòng hiếu khách của gia chủ. Nên lựa chọn cây thiên điểu hay cây đa búp đỏ cho phòng khách mang phong cách thanh lịch. Trong khi đó, các cây họ ráy, thu hải đường, xương rồng, sen đá lại mang tới màu sắc và sự tươi vui cho không gian.

Bí quyết ở đây là lựa chọn những loại cây dựa trên lượng ánh sáng tự nhiên mà phòng khách đón nhận được trong ngày. Có thể chia thành ánh sáng trực tiếp, ánh sáng gián tiếp (ánh sáng tán xạ), ánh sáng yếu.

Những loại cây phù hợp với phòng khách và cách chăm sóc:

Hoa thiên điểu: Cây thiên điểu ưa sáng, cho cây tiếp xúc với ánh sáng khoảng 5-6 giờ mỗi ngày (tránh ánh sáng trực tiếp). Vào mùa khô, cần theo dõi để tưới nước giữ ẩm cho cây hàng tuần, mùa mưa có thể tưới ít hơn, tránh việc cây bị thối, úng.

Cây đa búp đỏ: Nên trưng bày ở nơi có nhiều ánh sáng như cửa sổ, ban công, cửa kính, tránh đặt cây ở nơi quá tối. Lượng ánh sáng khuếch tán khoảng 40-50%, thời gian chiếu sáng từ 4-5 giờ là hợp lý. Chỉ tưới nước cho cây một lần mỗi tuần hoặc khi thấy đất trên mặt chậu cây đã se khô, tránh tưới quá nhiều nếu không muốn cây bị úng chết.

Loại cây cảnh nào phù hợp nhất với từng phòng trong nhà?
Nên đặt cây đa búp đỏ gần cửa sổ phòng khách để cây được đón nhận lượng lớn ánh sáng tự nhiên.

Cây họ ráy: Cây họ ráy thích nghi với các điều kiện ánh sáng khác nhau, từ cường độ mạnh tới cường độ yếu nhưng ưa ánh sáng tán xạ hơn cả. Nên tưới nước cho cây đều đặn mỗi tuần.

Cây thu hải đường: Đây là loại cây ưa bóng râm, nên đặt trong nhà ở những nơi có ánh sáng vừa đủ. Nhưng vào mùa đông, bạn có thể đặt cây ở nơi có nắng cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Nên tưới nước cho cây khi bề mặt đất còn hơi ẩm nhưng không ướt. Hãy để đất trồng hơi khô một chút giữa những lần tưới nước trong điều kiện nhiệt độ thấp và ít ánh sáng.

Xương rồng và sen đá: Cả sen đá và xương rồng đều ưa sáng, đặc biệt là ánh sáng mặt trời vào buổi sáng. Vị trí đặt cây thích hợp nhất là gần cửa sổ phòng khách. Lượng nước sử dụng để tưới cây không cần quá nhiều, chỉ cần làm ẩm khoảng ¾ đất trong chậu.

2. Phòng bếp

Mặc dù không quá ẩm ướt như phòng tắm nhưng bếp vốn là nơi có nguồn nước nên độ ẩm trong bếp vẫn cao hơn hẳn so với những phòng còn lại trong nhà. Chưa kể, không gian mặt bàn bếp tương đối hạn chế nên việc trồng những loài cây treo tường có lẽ là giải pháp tối ưu hơn cả. Hoặc bạn cũng có thể tận dụng không gian bậu cửa sổ để đặt một vài chậu cây thảo mộc vừa nhằm mục đích trang trí, vừa cung cấp nguồn nguyên liệu tươi sạch cho bữa cơm gia đình mỗi ngày.

Những cây trồng phù hợp cho phòng bếp và cách chăm sóc:

Cây dương xỉ: Dương xỉ cần nhiều bóng râm và ánh sáng tán xạ hơn là ánh sáng trực tiếp. Do vậy, nên đặt xương xỉ gần cửa sổ hướng về phía Bắc hoặc phía Nam. Loài cây này ưa độ ẩm cao nên cần được tưới nước đều đặn mỗi tuần.

Cây không khí: Cây không khí không cần trồng bằng đất nên bạn có thể cho cây vào bình thủy tinh treo tường. Cây ưa ánh sáng tán xạ nên hãy treo ở khu vực có nắng, có độ ẩm cao nhưng tránh ánh nắng trực tiếp vào buổi trưa và xế chiều.

Loại cây cảnh nào phù hợp nhất với từng phòng trong nhà?
Một vài chậu cây thảo mộc sẽ tạo ra bầu không khí tươi mới cho căn bếp nóng nực. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể ngắt vài nhánh cây cho vào món ăn để làm tăng hương vị.

Cây thảo mộc: Để phát triển tốt, các loại thảo mộc cần ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt. Đặt chậu cây thảo mộc ở gần cửa sổ trong phòng khách, nơi mà chúng sẽ được tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 4 giờ mỗi ngày. Thảo mộc cần độ ẩm thường xuyên nên hãy tưới nước cho chúng hàng ngày.

Cây trầu bà leo: Nên đặt cây ở nơi có ánh sáng tự nhiên, râm mát bởi trầu bà là cây ưa bóng, phù hợp với cường độ ánh sáng trung bình. Loài cây này ưa ẩm, không chịu được hạn nên cần được tưới nước một lần mỗi ngày, tuy nhiên tránh tưới quá nhiều nước khiến cây bị úng ngập, thối rễ và vàng lá.

3. Phòng ăn

Tiêu chí lựa chọn cây cảnh cho phòng ăn tương tự như cho phòng khách bởi cả hai không gian đều là nơi mà các thành viên trong gia đình và bạn bè tụ tập, quây quần bên nhau. Tuy nhiên, nên biến tấu đôi chút để phòng ăn không trở thành bản rập khuôn máy móc của phòng khách. Tức là nếu phòng khách đã có cây đa búp đỏ thì bạn nên lựa chọn cây thu hải đường cho phòng ăn. Thêm một ý tưởng khác, hãy biến phòng ăn trở nên thật đặc biệt bằng cách lựa chọn những loại cây xanh bắt mắt và ấn tượng.

Loại cây cảnh nào phù hợp nhất với từng phòng trong nhà?
Chậu thu hải đường rực rỡ cho bữa cơm gia đình thêm rôm rả.

4. Phòng ngủ

Phòng ngủ mang ý nghĩa là nơi tôn nghiêm, yên tĩnh. Do vậy, hãy thêm một chút sắc xanh nhằm mang tới bầu không khí yên bình. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng cây xanh có tác động đáng kể tới tâm trạng con người, làm giảm lo lắng, căng thẳng và đặc biệt là có khả năng thanh lọc độc tố trong không khí.

Với phòng ngủ, bạn nên ưu tiên chọn các loài cây có thể cải thiện chất lượng không khí nhưng cũng đừng quá lạm dụng cây xanh cho không gian này. Một căn phòng càng gọn gàng, ngăn nắp sẽ càng mang lại cảm giác thanh bình, tĩnh lặng. Do vậy, chỉ cần một hoặc tối đa hai chậu cây trong phòng ngủ là đủ.

Loại cây cảnh nào phù hợp nhất với từng phòng trong nhà?
Cây nhện với khả năng thanh lọc không khí sẽ mang tới cho bạn những giấc ngủ ngon.

Một số loại cây phù hợp với phòng ngủ và cách chăm sóc:

Cây lưỡi hổ: Loài cây này phát triển tốt nhất ở những nơi có ánh sáng trực tiếp, tránh nơi chỉ có bóng râm vì sẽ không tốt cho cây. Không nên tưới quá nhiều nước cho cây lưỡi hổ mà hãy giữ đất khô ráo và đảm bảo đất có khả năng thoát nước tốt. Khi tưới nước không cần quá đẫm mà có thể phun sương hoặc đợi cho đất thật khô rồi mới tưới.

Cây đa búp đỏ: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 1.

Cây nhện: Cây nhện ưa bóng, kỵ ánh sáng mạnh. Tuy nhiên, cây nhện trồng trong nhà vẫn có thể phát triển bình thường trong thời gian dài dưới ánh sáng mạnh của mùa hè. Cây nhện cũng “thích” ẩm ướt, nên tưới cho đến khi nước chảy ra khỏi đáy chậu và ngay lập tức đổ nước thừa trong khay đi.

5. Phòng tắm

Phòng tắm có sự khác biệt hoàn toàn về nhiệt độ và độ ẩm so với bất những không gian còn lại trong nhà. Hãy lựa chọn các loại cây trồng nhiệt đới cho nơi này bởi môi trường trong phòng tắm khá tương đồng với kiểu môi trường nhiệt đới: ánh sáng thấp, độ ẩm cao, nhiệt độ ấm áp. Bí quyết ở đây là hãy cân nhắc điều kiện trong chính không gian đó để lựa chọn cây trồng cho phù hợp.

Loại cây cảnh nào phù hợp nhất với từng phòng trong nhà?
Phòng tắm xanh mát hơn nhờ cây trầu bà.

Một số loại cây phù hợp cho phòng tắm:

Cây dương xỉ: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 2.

Cây không khí: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 2.

Cây trầu bà: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 2.

6. Phòng trẻ em

Không bao giờ là quá sớm để dạy cho trẻ về những điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Một chậu cây xanh trong phòng ngủ của trẻ sẽ ươm mầm cho sự sáng tạo và dạy trẻ sống có trách nhiệm đối với môi trường. Những loài cây có màu sắc sặc sỡ hay thực vật nhạy cảm (như cây xấu hổ chẳng hạn) đóng vai trò chủ chốt giúp bạn hoàn thành mục tiêu này. Chỉ cần lưu ý chọn những loài cây thân thiện với trẻ em, không chứa độc tố và không gây dị ứng. Điều này có nghĩa là bạn không nên đặt cây xương rồng có gai gọn trong phòng của trẻ em mà hãy thay bằng một chậu sen đá.

Loại cây cảnh nào phù hợp nhất với từng phòng trong nhà?
Cẩm nhung không đòi hỏi chăm sóc kỹ lưỡng mà lại rất an toàn với trẻ nhỏ.

Một số loại cây phù hợp cho phòng trẻ em và cách chăm sóc:

Cây thu hải đường: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 1.

Cây cẩm nhung: Cây ưa ánh sáng gián tiếp hoặc những tia nắng nhẹ nhưng cũng có thể phát triển tốt dưới ánh đèn huỳnh quang. Tuyệt đối không phơi cây dưới ánh nắng mặt trời vào buổi trưa hoặc chiều. Vốn là cây ưa ẩm, cây cẩm nhung đòi hỏi tưới nước hàng ngày vào mỗi buổi sáng. Nếu trời nóng, bạn có thể tưới phun sương vào lá để làm mát và làm sạch cho cây.

Trầu bà lá vàng: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 2.

Sen đá: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 1.

7. Phòng làm việc tại nhà

Tại phòng làm việc, hãy chọn một loại cây không khiến bạn xao nhãng khi đang tìm kiếm nguồn cảm hứng hay ý tưởng sáng tạo trong công việc. Thêm vào đó, nếu coi trọng vấn đề tâm linh thì cầu tảo Marimo (có nguồn gốc từ Nhật Bản) và cây ngọc bích được xem là bùa may mắn cho chủ nhân của nó. Nên sử dụng cầu tảo Marimo cho căn phòng có ánh sáng yếu hoặc trung bình, chọn cây ngọc bích hay thu hải đường cho không gian làm việc có ánh sáng đủ đầy.

Một số loại cây phù hợp cho phòng làm việc và cách chăm sóc:

Thu hải đường: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 1.

Cẩm nhung: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 6.

Cầu tảo Marimo: Kỳ thực, chăm sóc cầu tảo Marimo không quá kỳ công. Yêu cầu của cầu tảo là nước ngọt, lượng ánh sáng nhẹ cùng chất thải để chúng lấy làm thức ăn. Hãy duy trì việc thay nước sạch cho loài thực vật này nhưng không nên thay quá nhiều lần.

Loại cây cảnh nào phù hợp nhất với từng phòng trong nhà?
Cầu tảo được nhiều người lựa chọn vì dễ chăm sóc và đêm lại sự may mắn cho người “nuôi”.

Cây ngọc bích: Cây ngọc bích không ưa nước, ưa sáng, rất thích hợp để trồng trong nhà. Trong quá trình chăm sóc cây, nên chú ý tránh tưới quá nhiều nước để cây không bị ngập úng. Đặt cây ở vị trí sao cho cây có thể hứng đủ ánh sáng nhưng không bị ánh sáng gay gắt chiếu vào trong suốt nhiều giờ liền.

8. Cổng nhà

Để tạo ấn tượng tốt đẹp với những vị khách ghé thăm nhà ngay từ cổng vào, chúng tôi gợi ý nên chọn những loài cây như thu hải đường, bạc hà, húng quế, hoa cúc hoặc dương xỉ. Bạc hà và húng quế có hương thơm hấp dẫn, trong khi thu hải đường và hoa cúc với màu sắc bắt mắt lại tạo cảm giác chào đón.

Loại cây cảnh nào phù hợp nhất với từng phòng trong nhà?
Một vài giỏ cây dương xỉ có thể cải thiện sức hấp dẫn của ngôi nhà ngay lập tức.

Nếu cổng nhà có bóng cây lớn, hãy treo vài giỏ cây xương xỉ ở đây bởi chúng ưa bóng và môi trường ẩm ướt. Ở nơi chan hòa ánh nắng mặt trời, hãy treo vài chậu cây húng quế, bạc hà, thu hải đường và hoa cúc. Đừng quên tưới nước cho cây mỗi ngày vào mùa hè nóng nực. Môi trường ngoài trời có nắng, có gió sẽ khiến cây nhanh héo nên hãy thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất. Cuối cùng, đừng xem nhẹ vấn đề sâu bệnh ngoài trời.

Một số loài cây nên trồng ở cổng nhà và cách chăm sóc:

Thu hải đường: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 1.

Bạc hà, húng quế, hoa cúc: Ưa ánh sáng chan hòa, tưới nước cho cây mỗi ngày khi nhiệt độ vượt quá 25 độ C. Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C thì chỉ cần tưới nước một lần mỗi tuần

Dương xỉ: Tham khảo cách chăm sóc ở ý 2.

Minh Châu